Sunday, April 26, 2015

Thêm ví dụ để nhìn rõ nhà thầu Trung Cộng


http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/129358/
Thêm ví dụ để nhìn rõ nhà thầu Trung Cộng  
                     
Thứ Bảy,  25/4/2015, 08:20 (GMT+7)
 
Phạm Văn
(TBKTSG) - Tuần qua, cả nước xôn xao về vụ người dân xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, Bình Thuận chặn xe trên quốc lộ 1A, khu vực trước Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 để phản đối nhà máy này gây ô nhiễm môi trường. Phần chìm của câu chuyện - nguyên nhân sâu xa phía sau những công trình đầy rủi ro về môi trường - vẫn chưa được mang ra thảo luận đến nơi đến chốn. Hoặc giả, người ta đã quá chán nản vì thực trạng “bình mới rượu cũ” về các vấn đề đảm bảo an ninh con người trong các dự án công trình tại Việt Nam nói chung, mà trung tâm của câu chuyện chính là “bàn tay” thi công của các nhà thầu Trung Quốc.
Theo thống kê, được công bố hồi đầu tháng 4-2014, của Viện Nghiên cứu cơ khí (Bộ Công Thương), Việt Nam hiện có 20 dự án nhiệt điện thì tới 15 công trình do phía Trung Quốc làm tổng thầu EPC (tư vấn, thiết kế - cung cấp thiết bị - xây lắp, vận hành; hay nói cách khác là thực hiện dự án theo phương thức chìa khóa trao tay).
Nhìn tổng thể bức tranh triển khai các dự án tổng thầu EPC của Việt Nam, Ủy ban Tài chính và Ngân sách Quốc hội cho biết, tính đến năm 2010, các nhà thầu Trung Quốc đã nắm trong tay 90% các dự án, trong đó có đến 30 dự án trọng điểm quốc gia.
Phải công bằng nhận định rằng, các nhà thầu Trung Quốc được chào đón ở Việt Nam xuất phát từ chính sách mời thầu chuộng giá rẻ của Việt Nam - cũng chính là “tử huyệt” của các dự án - mà hệ lụy là người dân và ngân sách nhà nước lãnh đủ.
Giá rẻ chính là căn nguyên của việc nhà thầu Trung Quốc đưa công nghệ kém chất lượng và lao động Trung Quốc giá rẻ trái phép vào phục vụ các dự án. Điều này không khó hình dung khi các công trình do nhà thầu Trung Quốc thi công thường xuống cấp nhanh chóng, còn lao động Trung Quốc tràn lan, chiếm hết miếng cơm manh áo lẽ ra là của người Việt tại nhiều khu dự án.
Đó là chưa kể đến không ít công trình đã bị “đắp chiếu” trước khi được hoàn tất, bởi nhiều nhà thầu Trung Quốc có chiêu thi công các phần “dễ ăn” nhất của công trình rồi cao bay xa chạy. Trong khi Nhà nước phải chấp nhận chậm tiến độ, đổ thêm vốn để đầu tư các phần thi công “khó xơi” nếu muốn cứu dự án. Nhà máy Nhiệt điện Cao Ngạn bị chậm 28 tháng; Nhiệt điện Sơn Động chậm 24 tháng; Nhiệt điện Nông Sơn chậm 20 tháng; Nhiệt điện Cẩm Phả 1 chậm 10 tháng; Nhiệt điện Cẩm Phả 2 chậm 3 tháng; Nhiệt điện Hải Phòng 1, 2 và Nhiệt điện Quảng Ninh 1, 2 đều chậm từ 18-24 tháng... chính là những ví dụ. Chuyện này không mấy khác so với việc các thương lái tới Việt Nam dở trò “lợi dụng trò chơi về giá” để trục lợi từ nông dân rồi... bỗng dưng biến mất.
Cuối cùng, tai hại của việc chuộng nhà thầu Trung Quốc chính là vấn nạn ô nhiễm của các dự án. Một trong những phần việc “khó xơi” nhất trong thi công dự án chính là khâu quản lý và xử lý chất thải công nghiệp. Cho đến nay, không ít công trình do nhà thầu Trung Quốc thi công khiến Nhà nước lẫn người dân sống dở chết dở. Hiện tượng Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 không phải là mới khi trước đó - năm 2012 - Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải (Trà Vinh), do tập đoàn Đông Phương (DEC) của Trung Quốc làm nhà thầu, khiến không ít người dân phải “bỏ của chạy lấy người” vì mức độ ô nhiễm không thể chấp nhận.
Đến năm 2013, Nhà máy Nhiệt điện Mạo Khê (Quảng Ninh) - một dị phẩm của nhà thầu Trung Quốc - đẩy an ninh con người khu vực lân cận luôn nằm trong tình trạng báo động đỏ. Đó là chưa kể đến hàng loạt dự án về dầu khí, hóa chất, dệt kim... khác do nhà thầu Trung Quốc thi công cũng khiến môi trường phải khóc thất thanh.
Ở nhiều nước châu Âu và Mỹ, các nhà thầu Trung Quốc luôn nằm trong tầm kiểm soát gắt gao của chính phủ, nhất là ở các khâu quan trọng: đánh giá tác động môi trường, thi công phần chính dự án, quản lý và xử lý chất thải. Những án phạt triệu đô, hay những quyết sách “phi thầu Trung Quốc” là biện pháp mà các nước này áp dụng.

No comments:

Post a Comment