Wednesday, November 4, 2009

Khi nào Trung cộng tấn công Việt Nam?


Khi nào Trung Quốc tấn công Việt Nam?


Nguồn: http://www.ddcnd.org
Trần Nam

Trở về từ Trung Quốc, sau khi tham dự Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008, Tổng thống Hoa Kỳ George Bush đã phản đối mạnh mẽ trước hành vi tấn công Georgia của Nga. Ông nói “Hoa Kỳ phản đối hành động Nga xâm lăng Georgia, một quốc gia có chủ quyền, dân chủ và là chính phủ hợp pháp do dân bầu”.

Sự kiện Nga tấn công nước láng giềng Georgia trong bối cảnh hai nước tranh dành quyền lợi khí đốt và vị trí chiến lược quân sự. Điều này cũng phản ảnh tương lai của quan hệ Trung Quốc và Việt Nam. Không riêng gì thế giới chú tâm đến biến cố Nga – Georgia , mà cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đều rút ra những bài học cho chính họ. Quan trọng nhất là phản ứng của Hoa Kỳ trước sự kiện Nga đã mở một cuộc tấn công đẫm máu, bất chấp dư luận thế giới, bỏ qua ảnh hưởng và vai trò của Hoa Kỳ đối với đồng minh Georgia.

Nga tấn công Georgia không là điều bất ngờ vì cả hai nước đều có những bất hoà từ lâu, có những chỉ dấu cho thấy phải giải quyết bằng chiến tranh. Chính vì vậy mà Georgia đã tìm mọi cách bám sát Hoa Kỳ để có chổ dựa về kinh tế và quân sự. Phản ứng của Hoa Kỳ yếu ớt thấy rõ, nói cách khác vị trí của Hoa Kỳ về mặt quân sự và sự ràng buộc của cơ chế dân chủ đã không cho phép Tổng thống Hoa Kỳ có thể làm được điều gì khác. Tất cả, phụ thuộc vào chính bản thân quốc gia đang trong vòng tranh chấp. Chính phủ và nhân dân của họ phải có kế sách bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ trước viễn ảnh bị xâm lăng, bị đe doạ mất chủ quyền vì quốc phòng yếu kém, không có khả năng tự bảo vệ quốc gia của họ.

Năm 1979 khi Đặng Tiểu Bình cho quân đội tràn qua các tỉnh biên giới phiá Bắc để dạy cho Việt Nam một bài học, lãnh đạo đảng CSVN choáng váng vì không đo lường được Bắc Kinh lại quyết định cạn tàu ráo máng như vậy. Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Bộ trưởng Quốc phòng Văn Tiến Dũng, lúc đó đang còn ở Nam Vang đã vội vã bay về Hà Nội. Việt Nam hoàn toàn bất ngờ.

Hiện nay, bài học lần thứ hai đã được Bắc Kinh cảnh báo trước, lãnh đạo Đảng CSVN phải ý thức được khả năng tấn công lần thứ hai từ Trung Quốc có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Tờ báo Văn Hối ở Hồng Kông, một tờ báo được coi như cơ quan ngôn luận bán chính thức của đảng CSTQ hôm 31 tháng 7 vừa qua đã răn đe “Trung Quốc cần giảng cho Việt Nam một bài học về thế nào là đồng thuận”, sau khi Việt Nam đã ký hợp đồng với hãng dầu Exxon Mobil của Mỹ, tờ báo viết “Việt Nam muốn thực hiện ước mơ khai thác dầu ở Nam Hải với sự giúp đỡ của công ty Mỹ”. Trung Quốc cũng gián tiếp viết qua tờ Văn Hối rằng “nếu có gây chiến với Trung Quốc thì Việt Nam cũng hoàn toàn không có lợi thế”, một cách ám chỉ khả năng quân sự quá kém cỏi của Việt Nam đối với Trung Quốc. Qua nhiều ngõ từ giới chức ngoại giao, Bắc Kinh đã đe dọa trả nếu hãng dầu Mỹ Exxon Mobil cứ tiến hành ký kết với Việt Nam, khai thác dầu dọc theo phía Trung Nam biển Nam Hải.

Không phải ngẫu nhiên mà qua cuộc viếng thăm Toà Bạch Ốc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hai bên Việt- Mỹ đã ra thông cáo chung, trong đó Mỹ “khẳng định sự ủng hộ của Chính phủ Hoa Kỳ đối với chủ quyền quốc gia, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam”.

Sau sự kiện Exxon, phát ngôn nhân Toà Bạch Ốc lên tiếng kêu gọi Trung Quốc và Việt Nam nên giải quyết ôn hoà, tôn trọng các nguyên tắc về lãnh hải. Ngược lại, Việt Nam cũng bày tỏ thái độ cứng rắn. Ông Lê Dũng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố “Việt Nam ký kết với đối tác nước ngoài nằm trong phạm vi chủ quyền của Việt Nam". Khác lần đụng độ năm ngoái khi ký kết với hãng dầu BP của Anh Quốc, khai thác khí đốt các địa điểm nằm quanh quần đảo Hoàng Sa. Trước áp lực của Trung Quốc, hợp đồng gần 2 tỷ dollars phải hủy bỏ. Việt Nam đã không dám tuyên bố bất cứ điều gì về biến cố này.

Theo tiết lộ của giới chức ngoại giao cao cấp Hoa kỳ, kể từ năm 2003, phiá Việt Nam đã bắn tiếng với Mỹ là họ lo sợ ảnh hưởng bành trướng của Trung Quốc. Trong khi Mỹ đang bận rộn với chiến tranh Iraq và Afghanistan thì Trung Quốc đã từng bước gia tăng ảnh hưởng chính trị, kinh tế và quân sự. Vũ Khoan, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Việt Nam, trong chuyến viếng thăm Washington hồi tháng 12 năm 2003, đã thay mặt Bộ Chính trị đảng CSVN chuyển thông điệp đến Hoa Kỳ qua cuộc họp với Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Colin Powell và Cố vấn Hội đồng An ninh Quốc gia, bà Condoleezza Rice. Sau cuộc trao đổi đó, chính quyền Bush đã đưa vấn đề ảnh hưởng và quan hệ với Trung Quốc lên hàng đầu trong sách lược ngoại giao của Mỹ ở Châu Á.

Tháng 7 năm 2005 khi Thủ tướng Phan Văn Khải đến Hoa Thịnh Đốn, ông Khải đã thay mặt Chính trị bộ CSVN đồng ý ký kết bản thoả ước về giáo dục và huấn luyện quân sự (International Military Education and Training – IMET). Đây là một bước nhảy vọt quan hệ đến lãnh vực tế nhị nhất, đó là mặt quân sự. Bên cạnh thoả ước này, Hà Nội và Hoa Thịnh Đốn cũng đã đồng ý gia tăng trao đổi các lãnh vực tình báo và những vấn đề khác về an ninh. Bản thông cáo thể hiện sự quan tâm của hai nước như “Tổng thống Hoa Kỳ và Thủ tướng Việt Nam chia sẻ tầm nhìn về hoà bình, thịnh vượng và an ninh trong vùng Đông Nam Á và Thái Bình Dương và hai nước đồng ý cộng tác đơn và đa phương để đạt được những mục tiêu này”. Ngôn ngữ ngoại giao đề cập đến vùng Thái Bình Dương và Đông Nam Á được giới quan sát hiểu là ám chỉ đến quan tâm của Mỹ và Việt Nam đối với vai trò của Trung Quốc.

Đầu tháng 4 năm 2007, Hoa Kỳ điều chỉnh lại các qui định về vũ khí nhằm cho phép Việt Nam được nhận một số vũ khí mang tính tự vệ. Trong khi đó, quỹ chi tiêu cho thoả ước (IMET) - huấn luyện quân sự và giáo dục cho Việt Nam 2008, đệ trình lên quốc hội Hoa Kỳ đã lên đến con số 200 triệu mỹ kim, tăng gấp đôi từ năm 2007. Thoả ước IMET ký năm 2005 là một tiến bộ mang tính quyết định, làm đòn bẫy cho quan hệ Mỹ- Việt đi đến chổ phối hợp tích cực về lãnh vực quân sự. Để đạt được việc ký kết, Hoa Kỳ và Việt Nam phải làm việc gần hai năm trời, trước đó thoả ước đã bị chận lại bởi chính những lảnh đạo đảng CSVN thân Trung Quốc nằm trong Bộ Quốc Phòng[1].

Sau chuyến đi Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hồi tháng 6 năm 2008, hàng loạt các tướng lãnh có khuynh hướng thân Trung Quốc đã bị cho về hưu. Trước sức ép, thái độ ngang ngược và hiếu chiến của Trung Quốc, lãnh đạo đảng CS Việt Nam đứng ở ngã ba đường. Đi với Trung Quốc thì bị mất chủ quyền, quyền lợi kinh tế bị tước đoạt, lãnh đạo bị mang tiếng nhu nhược, bán nước. Áp lực nội bộ và sự phẫn nộ từ nhân dân có khả năng đẩy đảng CSVN ra khỏi vai trò lịch sử. Lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam chính là yếu tố mạnh mẽ nhất, đem lại cho Đảng Cộng sản những chiến thắng qua hai cuộc chiến chống Pháp và Mỹ. Cũng chính lòng yêu nước này sẽ là ngọn cờ chống lại đảng, khi đảng CSVN bị nhân dân coi là thành phần bán nước, phản bội lại quyền lợi dân tộc. Ngược lại, đến gần với Hoa Kỳ, trở thành một bộ phận trong chiến lược be bờ của Mỹ thì Hà Nội ngần ngại. Bên cạnh yếu tố có thể làm cho Trung Quốc nổi giận, Hà Nội sợ mất quyền độc tôn lãnh đạo vì ảnh hưởng của “diễn biến hoà bình”.

Trung quốc lo sợ Mỹ tìm cách ngăn chận sự trổi dậy của họ về quyền lực ở Đông Nam Á, và đánh giá quan hệ của Mỹ với Nhật, Ấn và Việt Nam như là những bước đi chiến lược nhằm làm yếu và giảm ảnh hưởng của Trung Quốc. Ngược lại, Mỹ quan tâm đến sự kiện Trung Quốc đang tìm cách đối đầu và thử thách vai trò quân sự của Mỹ để ảnh hưởng đến sự ổn định và cân bằng quyền lực tại Đông Nam Á.

Khi Đặng Tiểu Bình dạy cho Việt Nam bài học thứ nhất, bản Hiệp Ước về Yểm trợ Quân sự Song phương giữa Liên Xô và Việt Nam do Tổng bí thư Đảng CSVN Lê Duẩn ký năm 1978 vẫn còn chưa ráo mực. Liên Xô đã không làm gì được để cứu vãn Việt Nam. Lúc đó, quân đội Trung Quốc vẫn còn lạc hậu, chiến lược quân sự dạy Việt Nam bài học chỉ tóm gọn ba bước:

1) Bất ngờ đưa bộ binh mở mặt trận tấn công các tỉnh giáp biên giới Trung Việt

2) Nhanh chóng tiêu diệt quân đội Việt Nam và làm chủ các tỉnh giáp biên giới như Cao Bằng, Lạng Sơn v.v….

3)Tàn phá và hủy diệt toàn diện các Tỉnh nằm trong sự kiểm soát của Trung Quốc trước khi rút lui khỏi Việt Nam.

Bài học lần thứ hai sẽ không đơn giản như vậy. Trung quốc sau gần 30 năm hiện đại hoá, sức mạnh quân đội và chiến lược quân sự đã hoàn toàn thay đổi. Những chiến lược cổ điển “lấy thịt đè người” hay “tiền pháo hậu xung” trong cuộc chiến biên giới Lạng Sơn năm 1979 đã lỗi thời. Với những tiến bộ vượt bực về khoa học và tiềm lực quân sự hiện đại, câu hỏi đặt ra đối với những lãnh đạo quân đội là liệu Việt Nam có khả năng và kế hoạch để đối phó hiệu quả trước các hiểm hoạ sắp tới.

- Trung quốc có thể vô hiệu hoá hệ thống cung cấp điện khí toàn thành phố Hà Nội, làm tê liệt khả năng phòng vệ, truyền tin và chỉ đạo trước khi tấn công? Giống như Mỹ đã tiến hành kế hoạch đó vài tiếng đồng hồ trước khi xâm chiếm Iraq.

- Việt Nam phải đối phó thế nào trước viễn ảnh quân đội Trung Quốc sẽ làm tê liệt mạng tin học, sử dụng hacker hay vũ khí hiện đại Electro Magnetic Pulse (EMP) phá hỏng, làm tê liệt thông tin đất liền và trên không, đánh xập toàn bộ hệ thống tin học cả nước trước khi tấn công[2] – giống như Liên Xô đã làm trước khi xâm chiếm Georgia.

- Trước tình trạng yếu kém về phòng thủ, liệu quân đội Việt Nam có khả năng tự vệ trước cơn bão lửa của hỏa lực không chiến và hoả tiễn đối không từ tàu ngầm, biến thủ đô Hà Nội trở về thời kỳ đồ đá.

- Liệu Việt Nam có thể bảo vệ quân đội và nhân dân trước thảm cảnh chiến tranh vi trùng mà quân đội Trung Quốc đã âm thầm nghiên cứu, thử nghiệm và sẳn sàng tấn công toàn diện, không sợ bị dư luận thế giới lên án.

- Làm thế nào để Việt Nam vô hiệu hoá đạo quân thứ Năm của Trung Quốc? Những Trung kiều có thể phản bội Việt Nam theo Tổ quốc Đại Hán của họ, trước và khi chiến tranh xảy ra.

- Làm thế nào Việt Nam đủ sức chống đỡ hoả tiễn hiện đại JL-2, bắn ra trong phạm vi 12.800km từ các tàu ngầm nguyên tử nằm trên căn cứ hải quân ngầm gần đảo Hainan, một căn cứ tối tân Trung Quốc bí mật xây dựng gần đây. Căn cứ này có khả năng che dấu các tàu ngầm nguyên tử, sử dụng kỹ thuật cao tránh được phát hiện của radar trên không và biển, vừa có thể tấn công các quốc gia lân cận, nhằm kiểm soát eo biển chiến lược Malacca Strait và toàn vùng biển Đông[3].

- Làm thế nào Việt Nam có thể nhanh chóng tân trang quân đội để tự vệ, đối trọng lại hiểm họa Trung Quốc với chi tiêu quốc phòng khổng lồ 197 tỷ dollars trong năm 2007, nhằm phục vụ cho ý đồ bá quyền của họ?

Trong khi hai nước xung đột âm ỉ và căng thẳng vì quyền lợi kinh tế và quân sự. Viễn ảnh một cuộc chiến tranh nóng giữa Trung quốc và Việt nam rất khó tránh khỏi. Nếu có xảy ra, khác với trường hợp của Georgia, các nhà lảnh đạo đảng CSVN phải hiểu rằng lúc đó, vị Tổng Thống tương lai của Hoa Kỳ hoặc Cộng Đồng các quốc gia Âu Châu không thể lên tiếng ủng hộ và xác nhận “Việt Nam là một chính quyền dân chủ, hợp pháp và do chính nhân dân Việt Nam bầu ra”.

Việt Nam là một nhà nước độc tài, chính quyền không do nhân dân bầu, mà do đảng Cộng sản tiếm quyền lãnh đạo. Một nhà nước chuyên chính chỉ mạnh đối với việc đàn áp nhân dân, nhưng không đủ sức để tự vệ khi đất nước có biến loạn, bị ngoại xâm. Lịch sử dân tộc cho thấy mỗi lần Trung Quốc xâm chiếm Việt Nam, họ thường nhân cơ hội vua tôi nước Việt bị chia rẽ, tranh dành quyền lực, bị suy yếu, hoặc làm mất lòng dân. Tình hình Việt Nam hiện nay đất nước đang suy đồi, quân đội không đủ sức bảo vệ lãnh thổ, lãnh đạo Việt Nam không do nhân dân bầu ra mà chỉ gồm những kẻ độc tài. Cả nước oán hận vì bị cai trị dưới bạo lực, chuyên chế. Trong bối cảnh bất hoà, khi đất nước bị xâm lăng, Việt Nam không khả năng tự bảo vệ chủ quyền đất nước, không thể huy động sức người sức của để “Quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh”. Sự yếu hèn, bạc nhược, mất đoàn kết và không tin tưởng vào vai trò lãnh đạo của đảng CSVN; những yếu tố đó có tác động quyết định thắng bại trong nhiều cuộc chiến tranh, kể cả chiến tranh bảo vệ Tố Quốc chống ngoại xâm.

Có quá nhiều câu hỏi đặt ra trên bàn cờ chiến tranh Trung - Việt mà những lãnh đạo đảng trong quân đội CSVN với não trạng nông dân từ thời chiến tranh “chống Mỹ cứu nước” đã không đủ trí tuệ để được giáo dục và hiểu biết, kịp chuẩn bị tinh thần đối phó trước viễn ảnh mất nước. Nếu có tầm nhìn, lẽ ra từ hàng chục năm nay, Việt Nam thay vì dùng tiền của, tài nguyên quốc gia, để tân trang quân đội thì lại phung phí cho các dự án kinh tế hoang đường. Cần vận dụng sức người sức của, chuẩn bị cho tinh thần “Đoàn kết dân tộc bảo vệ Tổ Quốc” thì họ lại tìm mọi cách trấn áp nhân dân. Đảng CSVN đã chi tiêu những ngân khoản khổng lồ cho bộ máy an ninh, ngày đêm bao vây, đàn áp các lực lượng dân chủ chỉ nhằm bảo vệ chế độ độc tài, thay vì dồn tiền của, nhân lực, tâm trí cho các phương án bảo vệ Tổ Quốc, bảo vệ chủ quyền đất nước.

Nếu chỉ để dạy dỗ đảng CSVN một bài học, với lợi thế về không và hải lực, thế trận Trung - Việt xảy ra trên không và hải chiến đủ sức tàn phá Hà Nội thành bình địa. Trường hợp cần lập ra chính quyền bù nhìn, trước quốc phòng lạc hậu, quân đội yếu kém, lo làm kinh tế hơn là chuẩn bị chiến tranh, Việt Nam bại trận trong cuộc tổng tấn công của Trung Quốc là điều khó tránh khỏi. Trong bối cảnh đó, một số lãnh đạo CSVN sẽ phản bội Tổ quốc trở thành tay sai Trung Quốc, một số ôm tài sản chạy trốn, kẻ ra nước ngoài, người tỵ nạn chính trị tại các toà đại sứ Tây Phương.

Tổ quốc Việt Nam là nạn nhân trực tiếp của một chính quyền độc tài, vô cảm, đã đặt quyền lợi Đảng lên trên quyền lợi Dân tộc. Nhân dân Việt Nam, vì khiếp sợ trước bạo lực, vì thờ ơ trước vận mệnh đất nước, lại phải trả giá cho dòng sinh mệnh của dân tộc. Nước mất nhà tan, một cuộc di tản lần thứ ba lại có thể xảy ra.


--------------------------------------------------------------------------------
[1] US Congressional research service, by Foreign Affairs on Vietnam and US relations – 2007
[2] US House Armed Services Committee report "The consequence of EMP is that you destroy the communications network,…. We are, as the Chinese also know, heavily dependent on sophisticated communications, satellite communications, in the conduct of our forces.China does have the capability to strike USA with powerful EMP (Electo-Magnetic Pulse) weapons and an army of government-financed computer hackers home and abroad that can knock US back into stone ages.”

[3] Shishir Gupta - New Delhi Online - May 04, 2008savevietnam

Posts: 17
Joined: Thu Oct 29, 2009 10:34 am
Private message

No comments:

Post a Comment